Quả thật không khó để có thể tìm thấy cụm từ Hypoallergenic (không gây kích ứng) trên nhãn của các loại mỹ phẩm, từ mascara không gây khô mắt, cho đến những loại kem dưỡng dường như sẽ phù hợp với cả những người có làn da nhạy cảm nhất. Thế nhưng, trên thực tế, đây chỉ là một cụm từ mang tính chất tiếp thị quảng bá, bởi "hypoallergenic" dường như đồng nghĩa với vô cùng an toàn hoặc đôi khi được hiểu nhầm là ít hóa chất hơn, và khách hàng sẽ dễ bị thuyết phục hơn khi mua những sản phẩm có ghi dòng chữ này.
"Thực chất, đây chỉ đơn giản là một thuật ngữ tiếp thị được tạo ra nhằm tạo niềm tin về cảm giác cho người đọc, rằng sản phẩm này có vẻ sẽ không gây ra các phản ứng phụ ở hầu hết mọi người, do đó sẽ an toàn hơn nhiều sản phẩm khác có tác dụng tương tự." – theo lời của Rendy Schueller, chuyên gia nghiên cứu mỹ phẩm và giám đốc cấp cao phụ trách về các sản phẩm chăm sóc da và tóc R&D cho Alberto Culver và Unilever.
Đáng báo động hơn là cho đến tận bây giờ thì vẫn không hề có bất kì tiêu chuẩn hoặc bài kiểm tra nào để có thể chứng thực về khả năng kích ứng của sản phẩm, và những lời tiếp thị như thế này đã và đang được các hãng sản xuất gắn tự động cho rất nhiều các sản phẩm của mình.
Hơn thế nữa, cho dù các nhà sản xuất cũng có quá trình kiểm định về khả năng kích ứng cho sản phẩm của mình, thì đa phần những người được tham gia kiểm định cũng là người ít khi xuất hiện phản ứng trên da, và đôi khi điều này dẫn đến sự sai lệch trong kết quả khảo sát. Các công ty này cũng không có trách nhiệm phải kê khai đầy đủ danh sách những thành phần mà họ đã sử dụng để khẳng định về tính an toàn của sản phẩm. Do đó, vấn đề này ngày càng trở nên bức thiết hơn.
Là một người tiêu dùng thông minh, bạn cần nhận định rõ ràng rằng cụm từ "hypoallergenic" (không gây kích ứng) trên bao bì sản phẩm chưa chắc đã phản ánh đúng hoàn toàn về chất lượng của sản phẩm bởi sự kích thích và phản ứng của từng người đối với sản phẩm là khác nhau. Vì vậy mọi thứ chỉ mang tính tương đối.
Thay vào đó, hãy chú ý hơn đến bảng thành phần được ghi rõ trên bao bì. Nếu như bạn là một cô gái yêu làm đẹp thì việc hiểu được một số các thành phần cơ bản tốt và xấu trên bao bì mỹ phẩm cũng sẽ là điều nên làm.
Hãy luôn cẩn thận khi chọn cho mình những sản phẩm làm đẹp uy tín và thật sự chất lượng, và hãy hỏi bác sĩ khi bạn cảm thấy cần thiết.
Nguồn: Allure
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét